• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Bể trầm tích Nam Côn Sơn

1. Vị trí địa lý

Bể Nam Côn Sơn có diện tích gần 100000 km2, nằm trong khoảng giữa 6o00’ đến 9o45’ vĩ độ Bắc, 106o00’ đến 109o00’ kinh độ Đông. Ranh giới phía Bắc của bể là đới nâng Côn Sơn, phía Tây và Nam là đới nâng Khorat - Natuna, còn phía Đông là bể Tư Chính - Vũng Mây và phía Đông Bắc là bể Phú Khánh. Độ sâu nước biển trong phạm vi của bể thay đổi rất lớn, từ vài chục mét ở phía Tây đến > 1000m ở phía Đông.

2. Công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí

Hoạt động TKTD dầu khí ở đây được bắt đầu từ những năm 1970 của thế kỷ trước. Đã có 26 nhà thầu dầu khí nước ngoài tiến hành khảo sát gần 60.000 km địa chấn 2D và 5400 km3 địa chấn 3D, khoan 78 giếng khoan thăm dò, thẩm lượng và khai thác, xác lập được 5 mỏ và 17 phát hiện dầu khí. Hiện tại còn 7 nhà thầu đang hoạt động.

3. Cấu trúc địa chất

• Đới phân dị phía Tây (C): đới nằm ở phía Tây của bể trên các lô 27, 28, 29 và nửa phần tây của các lô 19, 20, 21, 22. Ranh giới phía Đông của đới được lấy theo hệ đứt gãy Sông Đồng Nai. Đặc trưng cấu trúc của đới là sự sụt nghiêng khu vực về phía Đông theo kiểu xếp chồng do kết quả hoạt động đứt gãy - khối chủ yếu theo hướng Bắc nam, tạo thành các trũng hẹp sâu ở cánh Tây của các đứt gãy. Đới phân dị phía Tây được chia nhỏ thành các phụ đới rìa Tây (C1) và phụ đới phân dị phía Tây (C2).

• Đới phân dị chuyển tiếp (B): đới này có ranh giới phía Tây là đứt gãy sông Đồng Nai, phía Đông và Đông Bắc là hệ đứt gãy Hồng - Tây Mãng Cầu. Ranh giới phía Bắc Tây Bắc được lấy theo đường đẳng sâu móng 1000m của đới nâng Côn Sơn. Ranh giới phía nam là khối móng nhô cao với độ sâu từ 1000 đến 1500m. Đới mang cấu trúc chuyển tiếp từ đới phân dị phía Tây kéo sang phía Đông và từ đới nâng Côn Sơn kéo xuống phía Nam. Đới bị chia cắt bởi các hệ thống đứt gãy phương bắc-nam, đông bắc-tây nam và đông-tây. Đới phân dị chuyển tiếp được chia thành 2 đơn vị cấu trúc bao gồm phụ đới phân dị phía Bắc (B1) và phụ đới cận Natuna (B2).

• Đới sụt phía Đông (A): Gồm diện tích rộng lớn ở trung tâm và phần Đông bể Nam Côn Sơn với đặc tính kiến tạo sụt lún, đứt gãy hoạt động nhiều pha chiếm ưu thế. Đới sụt phía Đông được phân chia nhỏ thành các đơn vị cấu trúc sau: Phụ đới trũng Bắc (A1), phụ đới nâng Mãng Cầu (A2), phụ đới trũng Trung Tâm (A3), phụ đới nâng Dừa (A4) và phụ đới trũng nam (A5)

4. Tiềm năng dầu khí

Cho đến nay tất cả các play ở bể Nam Côn Sơn đã có phát hiện dầu khí: play móng (mỏ Đại Hùng, cấu tạo Bồ Câu), play cát kết Oligocen (cấu tạo Dừa, 12C, Thanh Long...), play cát kết Miocen (mỏ Đại Hùng, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây, Hải Thạch, Thanh Long...) trong đó đã đưa vào khai thác các mỏ Đại Hùng, Lan Tây-Lan Đỏ và đang phát triển các mỏ Rồng Đôi-Rồng Đôi Tây, Hải Thạch để đưa vào khai thác trong thời gian tới.. Ngoài ra còn một số phát hiện đang được thẩm lượng.

-Mỏ Đại Hùng: được XNLD Vietsovpetro phát hiện trong cát kết Miocen năm 1988.

- Mỏ khí Lan Tây - Lan Đỏ: được ONGC phát hiện vào năm 1992 và mỏ khí Lan Tây vào năm 1993 bởi tổ hợp các công ty dầu khí BP, ONGC và Statoil. Mỏ khí Lan Tây được đưa vào khai thác từ năm 2002 với sản lượng khai thác hiện tại là 2,7 tỷ m3/năm.

- Mỏ Hải Thạch: được phát hiện vào năm 1995 bởi tổ hợp công ty BP, Statoil. Đối tượng chứa sản phẩm chính của mỏ là các đá có tuổi từ Miocen sớm đến Miocen muôn.

Kết quả thăm dò cho đến nay cho thấy bể Nam Côn Sơn có tiềm năng dầu khí đáng kể với tổng trữ lượng và tiềm năng khoảng 900 triệu tấn quy dầu trong đó tiềm năng khí chiếm ưu thế (khoảng 60%). Bể Nam Côn Sơn đã có hơn 20 phát hiện dầu khí với tổng trữ lượng và tiềm năng đã phát hiện khoảng 215 triệu tấn quy dầu (khí chiếm ưu thế), trong đó đã đưa 2 mỏ vào khai thác (Đại Hùng, Lan Tây - Lan Đỏ) với trữ lượng khoảng 65 triệu tấn quy dầu; trữ lượng 2 mỏ đang phát triển (Hải Thạch, Rồng Đôi - Rồng Đôi Tây) khoảng 60 triệu tấn quy dầu. Tiềm năng chưa phát hiện của bể Nam Côn Sơn dự báo khoảng 680 triệu tấn quy dầu (chủ yếu là khí).

Theo http://pvep.com.vn

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu