• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

“Lối về xóm nhỏ”

 

Nếu như xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được coi là “làng dầu khí” thì xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan là một xóm nhỏ nằm trong cái làng ấy. Từ cái xóm nhỏ này, mấy chục năm trước chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần xách túi ra đi, giống như người đánh bắt hải sản, để rồi sau mỗi ca biển khoảng 15 ngày lại xách túi trở về giao nộp sản phẩm.

Sản phẩm của chúng tôi gồm hai loại. Một loại tinh: bao gồm tập hợp các tài liệu ghi số của trạm máy. Một loại thô : bao gồm các mẫu đất đá lấy được từ độ sâu hàng nghìn mét dưới lòng biển mà các nhà địa chất quen gọi là “mẫu sờ lam” hay “mẫu lõi”. Của đáng tội, chỉ có mấy mẩu đất đá thôi, vậy mà đi trực thăng cứ khư khư giữ chặt trong người, giống như kiểu sợ ai lấy mất, hoặc sợ bỏ quên.

Theo qui định, sản phẩm sau mỗi ca biển của chúng tôi được giao nộp ở Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu của xí nghiệp. Trung tâm này có chức năng nhận, đánh giá chất lượng, in ấn và chuyển cho các đơn vị trong và ngoài Vietsovpetro số sản phẩm đánh bắt được ấy.

Theo thói quen đã ăn sâu trong tiềm thức nên mặc dầu lần này về xí nghiệp không phải giao nộp sản phẩm, nhưng tôi vẫn muốn ghé Trung tâm trước.

1:Thăm Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

Có nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng, trong tương lai phụ nữ sẽ làm chủ hai lĩnh vục: Internet và Văn học nghệ thuật. Có lẽ đúng như vậy! TrưởngTrung tâm bây giờ là chị Nguyễn Thị Liên Thủy, cách đây hơn nửa năm chị đã giật giải ba cuộc thi viết về Vietsovpetro với bài viết “Tản mạn tháng năm" . Cũng chính vì vậy cho nên tôi không phải giới thiệu về chị nữa mà chỉ muốn nói đến những nét mới của Trung tâm do chị điều hành.

Tiền thân của Trung tâm chính là Đội Kiểm tra-Phân tích tài liệu, là một bộ phận của XN Địa vật lý giếng khoan, ra đời ngay từ khi thành lập xí nghiệp (2/6/1983). Tên của Đội Kiểm tra-Phân tích tài liệu tuy ngắn gọn thôi,nhưng chức năng và nhiệm vụ thì lại quá dài. Nếu hành văn đúng theo văn bản hồi đó thì sẽ là:“Có chức năng nhận, đánh giá chất lượng, in ấn và chuyển cho các đơn vị trong và ngoài Vietsovpetro tài liệu khảo sát Địa vật lý giếng khoan các loại, bao gồm: địa vật lý tổng hợp, thử vỉa, kiểm tra khai thác, kiểm tra chất lượng gắn kết xi măng, kiểm tra tình trạng kỹ thuật của ống chống, kiểm tra bắn mìn, xử lý, minh giải và lập báo cáo, kết luận đồng thời lưu trữ toàn bộ tài liệu Địa vật lý giếng khoan của Vietsovpetro, cũng như của các công ty mà XN làm dịch vụ. Thực hiện các nhiệm vụ về cung cấp dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu Địa chất, Địa vật lý, Khai thác của Vietsovpetro”.

Cũng chính vì vậy mà khi kiểm tra tay nghề để tuyển nhân viên về Đội, chẳng cần phải đưa ra những câu hỏi về chuyên môn quá sâu, chỉ cần hỏi chức năng nhiệm vụ chính của Đội cũng đủ làm cho nhiều người phải “ trượt”!

Có một điều gần giống như mâu thuẫn ở chỗ là: Với chức năng và nhiệm vụ dài lê thê như vậy, chúng ta nhầm tưởng rằng ít nhất phải có một lực lượng hàng trăm người mới đảm đương nổi! Chẳng ai ngờ rằng, biên chế chính thức cho đến thời điểm này chỉ có 18 người ( bao gồm 1 trưởng, 2 phó (1 phó người Nga), 4 chuyên viên, 8 kỹ sư và 3 kỹ thuật viên.

Chị Thủy cho biết, qua quá trình phát triển, trưởng thành, đến nay chỉ với 18 cán bộ công nhân viên, đã đáp ứng xử lý minh giải toàn bộ khối lượng tài liệu của trung bình 10-12 trạm carota làm việc đồng thời trên 10 giàn cố định và tự nâng của Vietsovpetro phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí. Hàng năm trung bình 1,5 triệu mét tài liệu địa vật lý giếng khoan và 200 báo cáo, kết luận các loại được xử lý minh giải và lưu trữ an toàn.

Riêng ba năm trở lại đây (2009-2011) Trung tâm đã xử lý tương ứng 1,87 triệu;1,84 triệu và 2,43 triệu mét tài liệu, góp phần cùng các bộ phận trong Xí nghiệp đảm bảo chất lượng tài liệu đạt tương ứng 0.96; 0.98 và 0.98 so với kế hoạch 0.90. Phân tích minh giải và lập tương ứng 237 ; 257 và 322 báo cáo, kết luận, phục vụ kịp thời cho sản xuất và có chất lượng ngày càng cao. Hệ số thỏa mãn khách hàng tương ứng là 0.96 ; 0.99 và 0.98 so với mục tiêu 0.95. Tổ chức lưu trữ an toàn và khai thác hiệu quả tương ứng mỗi

năm: 1.878.300, 2.223.140 và 2.697.530 mét tài liệu ở dạng băng giấy và dữ liệu lưu trên Data Base của Xí nghiệp. Bên cạnh đó luôn thực hiện đầy đủ và kịp thời các nhiệm vụ cung cấp dữ liệu cho khách hàng và Cơ sở dữ liệu Địa chất – Địa vật lý – Khai thác của Vietsovpetro. Ngoài ra, Trung tâm cũng tham gia công tác dịch vụ cho các công ty ngoài Vietsovpetro, được khách hàng tin cậy và đánh giá cao.

Đạt được những kết quả đó là nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy và lãnh đạo XN Địa vật lý giếng khoan qua các thời kỳ đã hỗ trợ Trung tâm thường xuyên có những đổi mới về công tác quản lý, đẩy mạnh công tác đào tạo.

Điều đáng chú ý là, trong lĩnh vực cải tiến kỹ thuật, Trung tâm đã có 3 sáng kiến được Vietsovpetro công nhận:

- Sáng kiến “Phương pháp thu thập, xử lý và lưu trữ số liệu độ lệch giếng

khoan”.

- Giải pháp Hợp lý hóa SX về “Quản lý số liệu ĐVL bằng trang WEB nội bộ”.

- Sáng kiến “Xử lý minh giải tài liệu địa vật lý khảo sát mặt cắt dòng trong

giếng khai thác khí-condensate”.

Trung tâm thường xuyên cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng quản lý theo chất lượng ISO (hiện nay là ISO-9001:2008), xây dựng phong trào Văn hóa nhờ đó đã phát huy được tối đa tiềm năng của con người và thiết bị, công nghệ, cơ sở vật chất và nâng cao hiệu suất lao động, góp phần cùng Xí nghiệp ngày càng khởi sắc.

Tôi đặc biệt lưu ý đến một chi tiết khá thú vị là, thành tích mà Trung tâm đạt

được, gắn với con số 5:

- 5 Danh hiệu thi đua “Tập thể lao động suất sắc”.

- 5 Hình thức khen thưởng (Của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và của Bộ Công Thương).

Tôi ghi vội vào tờ giấy con số 5 rồi chào tạm biệt chị để tranh thủ ghé thăm vài bộ phận khác trong xí nghiệp.

2: Thăm Đội công nghệ cao số 2

Về thăm xí nghiệp lần này, tôi phát hiện ra một điều gần giống như hơi “nghịch lý”. Tại bộ phận do nữ lãnh đạo, khi gặp nhau thì họ chủ yếu đề cập đến công việc nhiều hơn, còn tại bộ phận do nam lãnh đạo thì lại chú ý nhắc nhiều đến “kỷ niệm” nhiều hơn.

Đội trưởng Phạm Văn Tuấn khi gặp tôi đã không dấu nổi niềm vui được nhắc lại kỷ niệm xưa.

“ Em đọc được bài viết “Nhớ mãi những người thắp sáng biển khơi” của anh đăng trên BT Vietsovpetro đúng vào lúc đang làm việc trên giàn Murmanskaya. Em cảm thấy bồi hồi vá xúc động thật sự. Đôi khi công việc nhiều khiến người ta có phút nào đó quên đi những kỷ niệm gắn cùng với thời gian, Anh đã làm em nhớ lại những ngày anh em mình cùng chiến đấu trên giàn khoan Tam đảo 01. Em còn nhớ nhất cái ngày mà gió to, biển

động, thời đó máy bay đâu có thuận lợi như bây giờ, mỗi người lính biển đều phải chịu những sự thiếu thốn do điều kiện. Nhớ cả những lúc hết cả thuốc lá.. Nhưng rồi công việc vẫn phải tiếp tục, tiếp tục cho tới tận bây giờ, như những vòng quay với thời gian và dấu ấn kỷ niệm vẫn gắn với từng thế hệ của người lính biển”.

Cũng giống như phần lớn các bộ phận khác trong XN Địa vật lý giếng khoan, vấn đề nhân lực hết sức hạn chế. Biên chế chính thức hiện nay của đội chỉ có 8 thành viên thôi (1 đội trưởng, 1 đội phó, 2 kỹ sư, 2 thợ tời, 2 công nhân carota bắn mìn). Tuy nhiên thế mạnh của đội là ở chỗ, hầu hết các kỹ sư đã được đào tạo đúng chuyên môn, có trình độ tin học và ngoại ngữ Tiếng Anh và Tiếng Nga, thợ tời và công nhân carota là những người có tay nghề chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Địa vật lý.

Điều này cũng dễ hiểu là vì, trong những nhiệm vụ được giao là thực hiện các yêu cầu đo địa vật lý, còn có một nhiệm vụ quan trọng là chịu trách nhiệm thực hiện công tác bắn mìn, mở vỉa các giếng khoan. Đấy chính là những công viêc đòi hỏi thao tác phải có độ chính xác cao.

Anh Tuấn cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, đội đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo giúp đỡ của các cấp lãnh đạo xí nghiệp và của các bộ phận liên quan trong xí nghiệp. Tuy nhiên do điều kiện làm việc liên tục trên các giàn khoan biển nên công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn chỉnh gặp nhiều khó khăn. Một số thiết bị đã sử dụng lâu năm nên xuất hiện nhiều hư hỏng, phải tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa các máy ngay trên giàn khoan để đảm bảo phục vụ tốt cho công tác sản xuất. Khi nói đến vấn

đề áp dụng sáng kiến và cải tiến kỹ thuật vào quá trình sản xuất, tôi phát hiện ra có một chi tiết khá thú vị: Tổng số nhân lực của đội là 8 người, nhưng trong mấy năm qua đã có 14 sáng kiến được chính thức công nhận và đưa vào áp dụng có hiệu quả.

Tôi ghi vội vào tờ giấy con số 14 rồi chào tạm biệt anhị để tranh thủ ghé thăm vài bộ phận khác trong xí nghiệp.

3:Thăm Xưởng Sửa chữa và chuẩn chỉnh máy địa vật lý.

Xưởng Sửa chữa và chuẩn chỉnh máy địa vật lý thuộc Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, được thành lập từ năm 1985 (Tức là 2 năm sau khi thành lập xí nghiệp). Nhiệm vụ chính của xưởng hoàn toàn đúng như tên gọi của nó. Chỉ có một điều, thời gian đâu“ máy địa vật lý” chủ yếu là do Liên Xô cũ chế tạo. Thời gian sau, do sự đầu tư đổi mới công nghệ, xưởng đã có sự phát triển về nhân sự và cơ sở vật chất, thực hiện các công tác bảo dưỡng, sửa chữa, chuẩn chỉnh các thiết bị địa vật lý và an toàn bức xạ.

Xưởng trưởng là anh Trần Đại Tính cho biết: Hiện nay Xưởng có tổng số 22 cán bộ công nhân viên, được chia làm 04 nhóm: nhóm phụ trách máy Nga và chuẩn chỉnh máy, nhóm phụ trách máy công nghệ cao, nhóm ứng dụng công nghệ mới và nhóm sửa chữa thiết bị trong quá trình khoan.

Biên chế của Xưởng bao gồm 17 kỹ sư, 05 kỹ thuật viên; hầu hết CBCNV đã được đào tạo đúng chuyên môn, có trình độ tin học và ngoại ngữ Tiếng Anh và Tiếng Nga, các kỹ sư có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Điện tử và Địa vật lý. Cơ sở xưởng có trang thiết bị hiện tại đảm bảo phục vụ tốt cho việc sửa chữa, bảo dưỡng, chuẩn chỉnh tất cả các thiết bị đo địa vật lý giếng khoan và công tác đảm bảo an toàn bức xạ.

Có lẽ cũng chính vì vậy nên anh Nguyễn Xuân Quang phụ trách CNTT của xưởng tâm sự: Điều mà anh tâm đắc nhất chính là việc ban lãnh đạo xí nghiệp chú trọng công tác đào tạo tại chỗ. Theo anh, đào tạo tại chỗ hết sức quan trọng bởi vì có thể nói rằng, hiếm có một nơi nào có điều kiện thực tế thuận lợi như ở xí nghiệp. Liên tục trong các năm Xưởng Sửa chữa và chuẩn chỉnh máy địa vật lý thực hiện 100% đơn hàng với chất lượng tốt. Tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới như: trạm đo địa vật lý tổng hợp KARAT, trạm đo địa vật lý tổng hợp HUANDING, Máy lấy mẫu sườn RSCT… Thực hiện tốt công tác bảo dưỡng, chuẩn chỉnh thiết bị cho các bộ phận ở xí nghiệp phục vụ kịp thời cho yêu cầu sản xuất. Làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện các đơn hàng dịch vụ, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của khách hàng: thực hiện tốt 100% đơn hàng của xí nghiệp khoan và sửa giếng. Trung bình hàng năm, ít nhất xưởng cũng đã thực hiện được 2 khóa đào tạo tại chỗ và ít nhất tổ chức được 3 buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật. Hàng năm trung bình có 04 sáng kiến được công nhận. Nhân viên xưởng cũng đã tham gia các hội thi sáng tạo kỹ thuật và đạt thành tích cao: Năm 2007 giải nhì tỉnh, năm 2009 giải nhì tỉnh, năm 2011 giải nhất toàn quốc.

4: Thăm đội Carota khí.

Trong xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan, đội Carota khí là bộ phận có số trạm máy nhiều nhất ( hiện tại có 7 trạm). Bởi vậy cho nên khi nhìn cái danh sách nhân lực của đội gồm 41 người, cứ tưởng là đông lắm, nhưng thực ra nếu tính luôn cà đội trưởng, đội phó thì trung bình chưa tới 6 người một trạm. Ngoài ra, còn nét đặc biệt nữa là: không có một nơi nào trong nước đào tạo chính quy lĩnh vực carota khí. Buổi đầu, nhờ một số người thuộc thế hệ đàn anh đi trước được đào tạo từ nước ngoài về, chỉ bảo lẫn nhau, vừa học vừa làm và dần dần nắm bắt được. Đến hôm nay thì có thể nói rằng đội đã làm chủ hoàn toàn lĩnh vực này, không những phục vụ cho Vietsovpetro, mà có những thời điểm tham gia các dịch vụ ngoài.

Ban lãnh đạo của đội (Đội trưởng Nguyễn Hữu Triết, hai đội phó Nguyễn Văn Hiến, Trần Văn Du) đều là những người đã từng lăn lộn trên các giàn khoan biển sau một thời gian khá dài, bởi vậy cho nên các anh đã chỉ đạo xử lý các tình huống một cách chính xác và sát với điều kiện thực tế.

Trao đổi, tâm sự với các anh, tôi được biết có 2 điều mà các anh quan tâm nhất, đó là nhân lực và thiết bị. Đó cũng chính là 2 điều mà ban lãnh đạo xí nghiệp quan tâm nhất.

Tình hình thực tế hiện nay là: khối lượng công tác khoan càng ngày càng cao (cụ thể là trong năm 2011, khối lượng công tác khoan quá cao) trong khi đó thì nhân lực và thiết bị của XN Địa vật lý GK chưa đủ nên Vietsovpetro vẫn phải tiếp tục thuê công ty ngoài các dịch vụ carota khí và thử vỉa gọi dòng.

Do đặc điểm đội có nhiều trạm máy, làm việc phân tán trên các giàn khoan khác nhau, cho nên ban lãnh đạo rất chú trọng xây dựng một tập thể đoàn kết, phối hợp và hỗ trợ nhau trong công việc. Ngoài việc đảm đương các nhiệm vụ chuyên môn, đội đã động viên CBCNV tích cực hưởng ứng các phong trào văn hóa, của công đoàn và xí nghiệp phát động.

Trong vấn đề quản lý nhân lực, Ban lãnh đạo đội đã mạnh dạn đổi mới tư duy khi xét nâng lương. Không áp dụng nguyên tắc máy móc như ngày xưa là phải chờ đủ năm, đủ tháng. Bây giờ, tiêu chuẩn nâng lương trước tiên là ưu tiên hiệu quả công việc thực tế. Đây cũng chính là bước đột phá để xóa bỏ “lực ì”, động viên được thế hệ trẻ phát huy được bản lĩnh của mình trong công việc.

5: Thăm phòng An toàn.

Tôi tranh thủ ghé thăm phòng An toàn của xí nghiệp. Kỹ sư phụ trách công tác an toàn của xí nghiệp là anh Nguyễn Văn Huấn. Anh cho biết: Công tác an toàn sản xuất - bảo hộ lao động là một trong những công tác quan trọng luôn được chú ý trong ngành công nghiệp thăm dò và khai dầu khí nói chung và trong Vietsovpetro nói riêng, đặc biệt là trên các công trình biển. Riêng đối với XN Địavật lý GK là đơn vị chuyên cung các dịch vụ đo địa vật lý, bắn mìn, thử vỉa trên cácgiàn khoan và chịu trách nhiệm trực tiếp bảo quản, sử dụng các loại vật tư có mức độ nguy hiểm cao là vật liệu nổ và phóng xạ nên công tác an toàn sản xuất càng được sự quan tâm đặc biệt của Ban lãnh đạo, các bộ phận quản lý và trực tiếp sản xuất ngoài thực đ!a.

Trong năm 2011, XN đã tiến hành kiểm tra hơn 10 lần an toàn cấp 3 và 3 lần cấp 4 tại các khu vực làm việc của XN trên bờ cũng như ngoài biển để phát hiện và khắc phục kịp thời các lỗi vi phạm về an toàn. Thực hiện tốt đợt kiểm tra của đoàn kiểm tra an toàn bức xạ Bộ Khoa học-công nghệ và hoàn chỉnh hồ sơ để Bộ Công thương cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ hàng năm.

Bây giờ công nghệ hiện đại nên việc kiểm tra kiến thức an toàn cho CBCNV theo định kỳ được thực hiện bằng hình thức trực tiếp và trên chương trình máy tính nối mạng.

Tôi còn nhớ thời kỳ trước đây, do điều kiện không được như bây giờ, cho nên khi làm việc trên giàn khoan, có người đã sáng tác ra bài vè để anh em dễ thuộc mỗi lần kiểm tra an toàn:

“ Cháy phun chuông kéo một hồi

Có loa thông báo cho người nặng tai

Ra đi bảy ngắn một dài

Người rơi xuống biển ba hồi chuông ngân”

(Ghi chú: Hiệu lệnh tất cả rời giàn là 7 hồi chuông ngắn, 1 hồi chuông dài). Nhờ bài vè này mà mỗi lần gặp câu hỏi “Cho biết các loại tín hiệu báo động trên giàn khoan, anh em trả lời vanh vách!.

Anh Nguyễn Văn Huấn cho biết, năm qua đã tiến hành kiểm tra kiến thức an toàn cho gần 230 lượt CBCNV theo định kỳ bằng hình thức trực tiếp và trên chươngtrình máy tính nối mạng.

Điều đáng mừng là: Kết quả trong năm vừa qua, XN không để xảy ra trường hợp tai nạn lao động nào, không có một sự cố nào xẩy ra.

Nếu như có thời gian đi hết các bộ phận khác, chắc chắn sẽ biết thêm nhiều điều lý thú, nhưng “ngày vui ngắn chẳng tầy gang” nên tôi đành phải tạm biệt xóm nhỏ. Đứng trước tòa nhà điều hành, trong lòng tôi cảm thấy vui vui, bởi vì biết rằng xí nghiệp đang có kế hoạch chuẩn bị xây tòa nhà điều hành 7 tầng, với diện tích 35 x 28 m2, ngay tại vị trí này. Ngoài ra, toàn bộ cơ sở hạ tầng của xí nghiệp sẽ được qui hoạch lại trước 2015.

Nếu lúc ấy có điều kiện quay trở lại, chắc chắn mọi thứ sẽ hoành tráng hơn bây giờ nhiếu. Chắc lúc ấy, nếu viết bài, tôi sẽ không dám dùng cái tựa đề “Lối về xóm nhỏ” nữa

(Nguyển Duy Quế)

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu